CHÙA BỬU LONG – NGÔI CHÙA CẢI GIA VI TỰ

A –  DẪN NHẬP

Chùa Bửu Long tọa lạc ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (trước năm 2013 thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Chùa nằm cập quốc lộ 1A, hướng về Mỹ Thuận đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, tại km 1985, cách Mỹ Tho khoảng 20km và cách Vĩnh Long 51km. Đây là một ngôi chùa được thành lập theo hình thức “cải gia vi tự” (chuyển đổi từ đất hộ gia đình sang đất tôn giáo) từ những năm đầu thập niên 80. Hiện nay, chùa Bửu Long là một trong những ngôi chùa được công nhận cơ sở thờ tự văn hóa chuẩn, với những đóng góp tích cực cho an sinh xã hội và văn hóa nông thôn tại địa phương.

B –  NỘI DUNG

I.  LỊCH SỬ THÀNH LẬP CHÙA BỬU LONG

Năm 1977, ông Nguyễn Văn Mén ngụ ấp Quý Chánh, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã mua 5.000m2 đất ruộng và 2.000m2 đất ruộng tách thửa thuộc ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (thời Pháp thuộc, nơi đây là quận Kim Ích, tỉnh Định Tường).

Năm 1980, khi ông tái hôn với người vợ theo Phật giáo, gia đình đã chuyển đất ruộng xây nhà làm vườn thành nơi lập một gian thờ cúng Phật và Tổ tiên. Vợ ông là bà Trương Thị Ngọc Dung, thuở ấu niên đã quy y cố Hòa thượng Thích Bửu Đức – vị Trưởng lão Hòa thượng khai sơn Hệ phái Liên tông Tịnh độ Non bồng (tức Hòa thượng Thích Chơn Không, chùa Thành An, ấp Đông Sơn 1, Thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Về lý lịch tổ tiên huyết thống, đời ông bà cha mẹ có tham gia cách mạng chống giặc ngoại xâm (thời kháng chiến chống Pháp), nhưng gia đình1 có tinh thần quy hướng Phật pháp. Gia đình luôn ấp ủ về một nơi thờ Phật và Tổ tiên, tụng Kinh lễ sám, niệm Phật tu hành. Chính vì vậy, nguyện vọng lập chùa dần dần thành hiện thực.

Từ năm 1980 đến năm 1984 là giai đoạn khó khăn, khi đó mới kết thúc chiến tranh thống nhất đất nước, tình hình chính trị xã hội chưa thật sự cởi mở đối với việc lập tự; việc lập chùa, tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo còn rất hạn chế. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết tâm xây dựng chùa để tu hành.

Bước đầu, chùa được xây dựng nhờ nguồn tài chánh tiết kiệm ngay trên mảnh đất canh tác ruộng vườn của gia đình. Phần Chánh điện được lợp mái ngói, tường gạch xi-măng, gạch lát bằng đất nung. Phần hậu Tổ và nhà khách, nhà ở xây bằng vật liệu thô sơ, nhà tranh vách lá nền đất.

Năm 1984, cơ sở được Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang chính thức công nhận là chùa tư nhân. Sinh hoạt tu học theo pháp môn Tịnh độ 2.

Kinh tế chùa tự cung tự cấp từ ngày đầu thành lập : làm ruộng làm vườn, làm nhang, buôn bán thực phẩm chay. Các nhà sư trong chùa phải lao động để có chi phí trang trải sinh hoạt tu học và làm từ thiện.

Tháng 7 năm 2000, cơn lốc xoáy làm sập toàn bộ ngôi chùa. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng nhờ vào sự ủng hộ và đóng góp công sức của thập phương tín thí gần xa, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành xin giấy phép xây dựng.

Tháng 11 năm 2000, chùa chuyển đổi Quyền sử dụng đất từ hộ gia đình sang đất cơ sở tôn giáo nhằm được cấp phép xây dựng theo Pháp lệnh Tín ngưỡng – Tôn giáo mới.

Năm 2001, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho phép xây dựng lại chùa. Ngày mùng 6 tháng 2 năm Đinh Tỵ (2001) chính thức làm Lễ Đặt Đá xây dựng.

Năm 2007, khánh thành Chánh Điện ngôi chùa. Các hạng mục công trình khác được xây dựng trong nhiều năm liên tiếp, đến năm 2016 kết thúc công việc xây dựng.

Năm 2011, Ủy ban Nhân dân huyện Cai Lậy (năm 2013, địa giới hành chính tỉnh mới tách ra huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, chùa thuộc thị xã Cai Lậy) công nhận Cơ sở Thờ tự Văn hóa theo quyết định số 6540/QĐ – UBND ngày 24 tháng 10 năm 2011.

Hiện nay, trải qua hơn 40 năm “cải gia vi tự”, gia đình bổn tự vẫn quản lý, điều hành chùa, sinh hoạt tu học theo tinh thần Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chấp hành tốt pháp luật nhà nước, là cơ sở thờ tự văn hóa và đóng góp tích cực cho an sinh xã hội tại địa phương.

Trụ trì đương nhiệm đời đầu là Hòa thượng Thích Đức Thông cũng là vị khai sơn tạo tự. Dân trong vùng thường quen gọi là thầy Sáu (vì sinh thời Ngài là người con thứ sáu trong gia đình). Các thành viên trong gia đình và thân nhân trong bổn tự đã có công lao đóng góp to lớn trong quá trình kiến tạo ngôi Tam bảo.

II.  KIẾN TRÚC CHÙA

Mở đầu ngôi chùa là cổng Tam quan với các cột bằng đá viên ốp xi-măng cao khoảng 16m, trên mặt cổng trước khắc tên, địa chỉ chùa và bốn chữ “Diệu hữu, Chân không”, mặt sau khắc bốn chữ “Từ bi, Trí tuệ”, ở các góc cạnh trên đỉnh cổng gắn trang trí lưỡng long chầu nguyệt.

Qua Tam quan là khoảng sân chùa với hàng cây cảnh. Đài Quán Thế Âm Bồ tát được xây chính giữa sân sau cổng Tam quan và nối liền với các tượng Phật lộ thiên lớn: tượng Phật A Di Đà bằng bê-tông cốt thép cao hơn 19m và các tượng Phật Di Lặc, tượng Bồ tát Địa Tạng, tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá hoa cương trắng nguyên khối nặng hàng tấn, được an trí tôn nghiêm.

Chùa công tạo núi đá nhỏ phía tây, cạnh gác chuông. Ngay từ những năm đầu lập chùa, Hòa thượng Thích Đức Thông đã ngược xuôi ra các núi đá miền Đông Nam Bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai) sưu tầm và vận chuyển đá để kiến tạo núi đá nhỏ. Ban đầu, để tạo cảnh quan, chùa trồng cây Bồ-đề ngay núi đá, về sau thiết trí ba sự kiện quan trọng của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni – Tam hợp (Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn) tạo cảnh quan trang nghiêm, trồng hoa kiểng xung quanh núi. Tam tượng Phật Thích Ca đản sanh, thành đạo và niết bàn được tạc bằng đá hoa cương trắng nguyên khối, an trí tại núi đá vô cùng trang nghiêm. Sau nhiều lần di dời vị trí, Núi đá nhỏ này hiện nay có kích thước là: chiều dài 10m, chiều ngang 6,5m và chiều cao 3,5m.

Chùa được xây theo kiến trúc Bắc tông, Chánh Điện và Hậu Tổ nối liền, mặt bằng hình chữ nhật, cấu trúc Chánh Điện và Hậu Tổ là tường gạch, cột bê-tông cốt thép giả gỗ, mái lợp ngói, nền gạch bông, bờ nóc chùa trang trí lưỡng long chầu nguyệt.

Ngôi Chánh Điện mở nhiều cửa sổ, có nhiều bậc thềm, hành lang bao quanh rộng, cao, thoáng. Trước Chánh Điện an trí các tượng Phật tôn nghiêm, có nhiều tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm Bồ tát,…

Bên trong Chánh Điện lập ban thờ ba lớp. Lớp cao nhất thờ Tam Thế Phật (Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni chính giữa, Đức Phật A Di Đà bên phải, Đức Phật Di Lặc bên trái), lớp giữa thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Đại Thế Chí. Lớp thứ ba thờ tượng Bồ tát Chuẩn Đề. Tượng Quán Thế Âm Bồ tát, tượng Hộ Pháp và tượng Tiêu Diện thờ chung đối diện. Hậu Tổ thờ Đạt Ma Tổ Sư quảy một chiếc dép về Tây, tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng ngồi, an trí bàn thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền riêng.

Hầu hết tượng Phật, Bồ tát tại chùa đều có khuôn mặt tròn đầy như trăng rằm. Chùa hiện có rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ do các tín chủ cúng dường và được bổn tự thiết trí bàn thờ riêng. Hậu đường còn có ban thờ Mẫu theo tín ngưỡng của tổ tiên bổn tự và linh vị tiền nhân có công với chùa.

Hai bên hông trước bậc thềm Chánh Điện là tả Chung hữu Trống, còn gọi là Gác Chuông, Lầu Trống. Gác Chuông có góc mái uốn cong, có lan can.

Gác Chuông thờ các tượng Phật do các tín chủ cúng dường. Đại Hồng Chung tại Gác Chuông nặng 1.200kg được đúc vào năm 2005 tại Đồng Nai, thân chuông khắc các bài kệ cảnh tỉnh nhân sinh tu hành và danh hiệu Phật, Bồ tát.

Lầu Trống được đặt tầng trên, có bàn thờ vị Hộ Giáo Già Lam, tầng dưới thờ tượng Phật và Mục Kiền Liên Bồ tát. Trống lớn tại Lầu Trống có kích thước chiều dài 1,5m, đường kính mặt trống 65cm.

Bên trong Chánh Điện có đặt quả hồng chung nặng hơn 100kg, không rõ chuông được đúc vào năm nào và ở đâu, chuông này do bổn tự thỉnh tại một tiệm bán đồ đồng ở Sài Gòn vào năm 1979. Thân chuông cao 1,15m, chu vi đáy 55cm, quai chuông là đôi rồng liền thân, đường nét chạm khắc tinh xảo, phần thân chuông có ghi bốn chữ Nôm cổ : “Xuân – Hạ – Thu – Đông”.

Hiện chùa vẫn lưu giữ nhiều tượng Phật, Bồ tát, pháp khí được gia đình thỉnh trước khi lập chùa, tuy chất liệu tượng là xi-măng nhưng có độ bền cao như: tượng Bồ tát Quán Thế Âm, tượng Hộ Pháp, tượng Tiêu Diện,… Chùa có tủ trưng bày kinh sách, pháp khí và tượng Phật nhỏ, tủ Bằng khen hoạt động Phật sự và từ thiện xã hội của các cấp chính quyền, đoàn, hội,… trao tặng.

Hai dãy nhà bên Hậu Tổ là nhà khách, nhà thiền, nội xá, nhà ăn, sau là nhà bếp. Chùa có Tháp thờ cốt bài vị các hương linh riêng nằm phía Đông, khoảnh đất phía cuối cùng của chùa.

Chùa có một ao rộng phía sau do trước kia đào ao lấy đất xây nền Chánh Điện. Một đài Quán Thế Âm được xây trên ao vào năm 2010, làm cầu xi-măng và có trồng sen, thả cá phóng sanh.

Chùa sinh hoạt tu học theo truyền thống Bắc tông, chuyên tu Tịnh độ. Sinh hoạt, hoạt động Phật sự và từ thiện tại địa phương đều đặn, đúng nghĩa ngôi chùa làng xã vùng nông thôn mộc mạc. Chùa hiện là Cơ sở Thờ tự Văn hóa của địa phương, thường có khách thập phương viếng thăm.

III.  NHẬN ĐỊNH CHUNG

Ngôi chùa được thành lập theo hình thức “cải gia vi tự” là một điều đặc biệt đối với văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của người dân miền Tây Nam bộ, bởi hình thức này rất phổ biến ở nơi đây.

Tây Nam bộ còn là cái nôi sản sinh ra hệ phái Khất sĩ và nhiều tôn giáo mới: Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài Tiên Thiên, Phật giáo Hòa Hảo,… Trong thời kỳ Pháp thuộc và kháng chiến chống Mỹ, các tôn giáo mới phần lớn chịu ảnh hưởng từ giáo lý Đạo Phật.

Trong thời kỳ phôi thai, ngôi chùa đã được dựng lên, còn đơn sơ nghèo nàn, về sau mới có điều kiện xây rộng rãi, đầu tư kiến trúc thẩm mỹ.

Quan niệm của bổn tự, chùa to hay chùa nhỏ, đơn sơ hay hoành tráng, không quan trọng bằng dấu ấn tâm linh cho mọi người hướng thiện tu hành, gần gũi với đời sống xã hội, hòa vào tinh thần nhập thế. Vì chùa là mái ấm che chở, ấp ủ, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của bổn tự.

Nơi tiền đường, diễn ra các khóa lễ tụng kinh niệm Phật để rèn tâm kiến tánh, nhằm xây dựng lòng thiện theo con đường từ bi của Đức Phật. Do đó, gia đình bổn tự cùng nhau quyết tâm đóng góp xây dựng, bảo vệ, phát huy Phật sự mạnh mẽ, nên mới có thể vượt qua khó khăn, trở ngại để lập chùa.

Trên tinh thần tùy duyên bất biến, tốt đời đẹp đạo, ngôi chùa là nơi tu học, phát triển tâm linh, nuôi dưỡng đạo đức giải thoát, là nơi cho mọi người hướng đến đời sống cao thượng, lễ Phật, nghe pháp, gội rửa những tập khí phiền não, nuôi dưỡng bồ-đề tâm và tu bồi phước đức. Vì vậy mà công đức xây dựng hay tu sửa chùa tháp là vô lượng vô biên và bồ-đề tâm càng thêm tăng trưởng.

C –  KẾT LUẬN

Người xưa có câu: “Xây chùa tạo tượng đúc chuông. Ba công việc ấy thập phương nên làm”. Một gia đình xuất thân bình dân đã dùng toàn bộ đất đai đang sử dụng để kiến tạo ngôi Tam bảo, vì mục đích hướng thiện, tu hành, dấn thân phụng sự nhân sinh, hoạt động đúng pháp luật. Đó là điểm đặc biệt nhất của một ngôi chùa cải gia vi tự.

Ngôi chùa được thiết kế và xây dựng hài hòa với cảnh quan, môi trường xung quanh, mang vẻ đẹp kín đáo thầm lặng, lắng đọng sâu trong tâm hồn người hướng về điều thiện.

Chùa cũng đáp ứng được những nhu cầu tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của mọi người. Mái chùa là nếp sống của tổ tiên, mà nếp sống là cách nghĩ, cách làm, cách tư duy,… hằng ngày đã thuần thục, thường xuyên và đã ăn sâu vào tâm trí.

Văn hóa tinh thần đã thổi linh hồn, sức sống vào ngôi chùa bằng hơi thở của tình thương, sự hiểu biết và lòng từ bi, vô ngã, phụng sự. Đó là hướng tiến thăng hoa đạo đức của người con Phật trong việc tu thân tề gia và đem lại nhiều lợi ích, phụng sự cho nhân quần xã hội.


1Gia đình gồm có : mẹ là bà Nguyễn Thị Hường (tự Vãng Thị Biết, là thân mẫu của bà Trương Thị Ngọc Dung), ông Nguyễn Văn Mén và bà Trương Thị Ngọc Dung, cả ba vị đồng khai sơn tạo tự trên mảnh đất của gia đình. Bà Nguyễn Thị Hường và bà Trương Thị Ngọc Dung quy y với cố Hòa thượng Thích Bửu Đức, được ban pháp danh là Diệu Liên và Huệ Ngọc vào năm 1961. Ông Nguyễn Văn Mén xuất gia, thọ giáo với cố Hòa thượng Thích Chơn Huệ (Chùa Bửu Vương, phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang), pháp danh là Thích Đức Thông vào năm 1980, thuộc hệ phái Phật giáo cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa tăng). Các thế hệ con cháu trong gia đình cũng được sinh ra, lớn lên, xuất gia tu học và thường trú tại chùa. 

2 Trên phương diện Tông môn pháp phái, chùa Bửu Long có sự tổng hợp truyền thống tu hành giữa hai hệ phái “Liên tông Tịnh độ Non bồng” và “Lục hòa tăng”, chính từ nhị vị khai sơn tạo tự.

TKN. Thích Nữ Huệ Liên kính ghi.

HÌNH ẢNH CHÙA BỬU LONG