Dòng nước tẩy Y

Dòng nước tẩy Y

Một ngày, Lục Tổ Huệ Năng muốn giặt pháp Y nhưng chung quanh chùa không có một dòng nước nào trong sạch để giặt. Lục Tổ bèn tìm đến chân núi cách xa sau tự viện. Ở đây cây cối sum suê, khí hậu tốt tươi. Lục Tổ đến một cái trũng cắm mạnh chiếc gậy xuống đất, một dòng nước mát phọt lên chứa thành một hồ nước lớn, Lục Tổ ngồi trên phiến đá chuẩn bị giặt Y. Ngay lúc ấy, một Tỳ-kheo pháp danh Phương Biện thình lình xuất hiện, đảnh lễ Lục Tổ. Phương Biện nói : “Con là người Tây Thục, hôm qua có gặp Tổ sư Đạt-ma ở Nam Thiên Trúc, ngài dặn con phải nhanh đến Trung Hoa, vì Y bát thiền tông mà Ngài đã trao truyền nay đã truyền đến tổ thứ 6, bây giờ đang ở tại Tào Khê, và dặn con đến đây tham lễ. Hôm nay, con không vì xa xôi ngàn dặm, đến đây là vì muốn được xem Y bát của tổ Đạt-ma truyền lại.”

Lục Tổ cầm Y đưa Phương Biện xem, đồng thời hỏi Phương Biện : “Ông chuyên làm nghề gì?” Phương Biện đáp : “Con chuyên nghề đắp tượng Phật”.

Lục Tổ nói với ông ta : “Vậy ông đắp một cái cho tôi xem”.

Phương Biện không ngờ Lục tổ thử tài ông ngay tại chỗ như vậy, làm ông tay chân luống cuống, mặt mày ngẩn ngơ, không biết phải làm thế nào.

Qua mấy ngày, Phương Biện cũng đắp được một bức tượng của Lục Tổ cao 7 tấc, sống động y như đúc, ngay cả đường tơ kẽ tóc cũng rất rõ ràng. Lục Tổ xem xong, cười nói :

“Xem ra, ông chỉ giỏi biết tánh đắp mà không giỏi tánh Phật.” Nói xong, Lục Tổ xoa đầu Phương Biện nói tiếp : “Mong ông sau này muôn đời đều làm thầy trời người, vì thế nhân mà làm ruộng phước”.

Sau đó, Lục Tổ biếu ông một phần Y, đền công đắp tượng của ông. Phương Biện nhận xong, chia mảnh Y làm 3 phần :

Một phần khoát lên bức tượng, một phần giữ lại, còn một phần ông lấy lá cây Gọ gói lại đem chôn dưới đất, lập thệ rằng : “Sau này ai đào được pháp Y này, thì tôi sẽ tái thế trụ trì nơi đây, trùng tu kiến lập lại chùa chiền.”

Quả nhiên mấy trăm năm sau, vào đời Tống, năm thứ Gia Hựu 8, có vị pháp sư pháp danh Duy Tiên, đang khi trùng tu lại ngôi chùa, lúc đào đất gặp được pháp Y này.

Nghe nói khi lấy lên, Y vẫn mới như xưa! Đây là một sự linh nghiệm. Còn bức tượng thì được an trí ở chùa Cao Tuyền để đồ chúng tham bái, mọi người đến cầu khấn đều rất linh nghiệm.

(trích từ sách “Câu chuyện cuộc đời Tổ thứ sáu Đại sư Huệ Năng” của tác giả Ngô Trọng Đức, Giới Nghiêm biên dịch, NXB Văn Nghệ)