Trong một lần lục tìm những quyển sách cũ kỹ được lưu giữ tại Chùa, chúng tôi vớ được quyển “Nhật Tụng” do Thích Minh Lý sao dịch vào năm 1967. Chúng tôi không biết về tiểu sử của Ngài Thích Minh Lý nhưng điều chúng tôi chú ý là nội dung của quyển sách. Quyển sách “Nhật tụng” này được viết theo thể loại thơ vần và phần cuối có nhiều bài khuyến tu, trong đó chúng tôi chú ý đến bài “Lỡ một kiếp người!”. Nhân đây xin chia sẻ cảm nghĩ khi đọc bài khuyến tu này.
“Một kiếp sanh ra một kiếp lầm
Tưởng còn sống mãi với non sông
Ngờ đâu tứ khổ theo đeo níu
Đến chết còn chưa hết lạc lầm…”
Đoạn thơ mở đầu chỉ ra một kiếp người, sanh ra và tồn tại trên cõi đời này là một “kiếp lầm”, “kiếp lầm” này có thể hiểu nghĩa là lạc lầm hoặc sai lầm. Lạc có nghĩa là không đi đúng hướng, đúng đường, không tìm thấy nẻo về, còn lầm lại có nghĩa là do sơ ý hoặc do không biết (vô minh) nên nhận thức cái này ra cái kia. Ở đây, đã “lạc” lại thêm “lầm” thì thật là bi ai cho kiếp người quá?!.
Sự sai lầm đôi khi mang lại hậu quả thật tệ hại với con người, tệ hại nhất là sai lầm mà không nhận thức được, cứ mãi chạy theo những cái sai tệ hại để rồi càng thêm tàn tạ, gây khổ cho mình và mọi người xung quanh. Sự sai lầm với chính mình và những gì xung quanh đó là sự sai lầm vì quá tự tin vào chính mình, hay sai lầm vì cả tin người, hay sai lầm vì đặt tình thương không đúng người đúng chỗ, hay sai lầm vì đam mê theo những điều không thật, ảo mộng, hay sai lầm vì vô tình giam mình vào nơi tội lỗi, hoặc sai lầm vì quên nhân nghĩa mà chạy theo đam mê cá nhân ích kỷ, .v.v.
Con người ai cũng có bản ngã, chính bản ngã làm nên giá trị vật chất và tinh thần cho riêng họ. Bằng sự tự tin, bằng sự sáng tạo, bằng nghị lực, con người có thể vượt qua bao chông gai, khó khăn để sáng tạo ra những gì có ích, để thoả mãn niềm hy vọng ở sự thành công. Nhất là tuổi trẻ, rất năng nổ và đầy nghị lực sáng tạo không ngừng. Chính vì vậy, tuổi trẻ là mầm xanh của sự sống và chất đầy bản ngã của sự cao ngạo. Tuổi trẻ hầu như thích sống theo sở thích hơn là xem trọng sự hoà nhập vào truyền thống đạo lý của tổ tiên. Tuổi trẻ là độ tuổi đạt thành công nhiều nhất, nhưng cũng là tuổi trẻ dễ bị “sập hầm”, “lọt hố” khi đối diện trước những thách thức trong cuộc đời. Những sai lầm vấp phải của mỗi người sau đó sẽ trở thành quá khứ nhưng mãi mãi in dấu trong tâm thức và cuộc sống, cho đến khi con người ta lìa bỏ cuộc đời này. Ở đây chỉ nói điểm chung của đời người, bất cứ ai trong cuộc đời đều có thể mắc phải sự “lầm”. Tuy nhiên, vẫn có những con người biết nghĩ, biết sống để thích ứng với bản thân, gia đình và xã hội, biết làm việc vì lợi ích chung cho cộng đồng thì cuộc sống của họ sẽ an vui hơn khi đối diện trước thử thách hay khó khăn. Đây còn là những người có lối sống đạo đức, ứng xử theo văn hóa lành mạnh và biết cách đối diện với những đổi thay của thời cuộc.
Tiếp theo, bốn nỗi khổ đau lớn nhất của con người là : sanh, già, bệnh, chết. Bốn sự kiện lớn này trở thành nỗi khổ đau của kiếp người, vì con người không bao giờ vượt qua được nó. Một kiếp sống phải lăn lộn với công việc mưu sinh, phải đối diện những nguy cơ tiềm ẩn thách thức của cuộc đời, phải tìm kiếm hạnh phúc cho mình,…đã đủ làm người ta mệt mỏi rồi, huống gì khi cơ thể mang tật bệnh, lúc già yếu và đối diện trước cái chết không ngờ. Con người sống trên đời không biết được ngày mai ra sao, bao giờ chết, sau khi chết sẽ về đâu… Nếu là người có niềm tin vào thuyết luân hồi nghiệp báo, họ sẽ nghĩ đến kiếp sau ta sẽ thế nào?, sẽ trở thành gì?,.v.v Trong nhà Phật còn thấy chia ra 12 loại cô hồn[1] hay 9 thứ hoạnh tử[2] để chỉ cho những người chết chưa thể siêu thoát :
Một kiếp con người đặng mấy lâu
Trăm năm như nước dưới gầm cầu,
Trôi đi, đi mãi bao giờ nghỉ?
Vơi, cạn chưa yên một giọt nằm…
Sống để làm chi, hỡi kiếp người?
Trăm năm ví thể cánh bèo trôi…
Sanh, già, đau, chết không dừng nghỉ,
Biết đến bao giờ mới chịu thôi…?
Sống đã làm nên cái quái gì?
Mặc, ăn, níu, kéo chẳng hề ly,
Lo nghèo, lo đói, lo gần chết
Lo đặng “thành danh” cũng bỏ đi…
Sống ở đời ai mà chẳng muốn mình được ăn no mặc ấm, sự nghiệp thênh thang rộng mở, danh dự tiếng tăm, của cải sung túc, gia đình hưng thịnh. Nhưng tất cả những thứ ấy tuy cần thiết mà không tồn tại mãi với thời gian được. Thậm chí, những thứ ta cần thiết đó lại làm khổ ta và người thân của ta nữa thì khác. Từ kẻ bên ngoài phá hoại vô trong nhà, rồi từ chính người trong nhà tự huỷ hoại gia đình. Tài sản, hạnh phúc, vinh dự biến mất một cách nhanh chóng khi tai ách xảy ra, trong khi những thứ đó phải tốn rất nhiều thời gian và công sức mới xây dựng nên:
“Công danh phú quý cuộc đời
Là tuồng ảo ảnh giấc mơ mau tàn
Tiền tiền, bạc bạc, vàng vàng
Càng thâu cho lắm lại càng khổ thân
Rồi khi tách biệt dương trần
Hai bàn tay trắng giữ phần nào đâu”.
( trích từ bài thơ “Tu mau kẻo trễ!”)
Đoạn cuối của bài khuyến tu tóm tắt một kiếp con người mong manh, vô định, đầy dẫy sự đau khổ. Tuy nhiên, bài thơ không chỉ nêu lên tính chất vô thường, khổ đau của kiếp người mà còn chỉ ra con đường tu để giải thoát một kiếp sống “không bền chắc” :
Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày,
Xét kỹ như tuồng một giấc say.
Nghĩa nặng tình thâm rồi vĩnh biệt,
Oán thù, thương ghét cũng chia ly,
Trò đời đâu có chi bền chắc
Đeo, đuổi nhiều thêm nặng, mệt, si
Chi bằng tắm gội lòng trong sạch
Trì niệm Di Đà khỏi loạn ly.
Câu cuối cùng của bài khuyến tu : “Trì niệm Di Đà khỏi loạn ly”, nhắc đến pháp môn trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà được nói trong một số Kinh điển Đại thừa. Người “hễ có tu, kết quả là thành”, ai muốn đạt quả vị thấp thì tu phước hoặc tu huệ, còn ai muốn đạt quả vị cao thì phải “phước huệ song tu” vậy. Đối với pháp tu niệm Phật, hành trì như thế nào mà làm cho người dữ hoá hiền, kẻ xấu thành tốt, kẻ thù hoá bạn, kẻ sân thành hoà nhã, tâm không còn tranh hơn thua, không chấp ngã chấp nhơn, sống tinh thần lục hoà, thuận thảo yêu thương, không sống ích kỷ, không sống dối trá điêu ngoa, …thì đó mới là tu vậy.
Nói chung, pháp môn niệm Phật ngăn chặn những tư tưởng và hành vi xấu thuộc thân, khẩu, ý của chúng sanh. Niệm Phật trong mọi lúc mọi nơi, đi đứng nằm ngồi đều niệm danh hiệu Phật trong tâm (ngoại trừ lúc làm việc trí óc). Trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật Phẩm thứ sáu “Năng lực bất tư nghị của danh hiệu Phật”, Bồ tát Quán Thế Âm khuyên tu Tịnh Độ rằng : “Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn trọn đời giáo hoá điều phục chúng sanh, đã ban bố tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập. Nhưng trong đó, niệm Phật là thù thắng đệ nhất”. Ngài Ấn Quang Đại sư cũng đã nói về sự thù thắng của pháp môn niệm Phật rằng : “nếu là những bậc đã đoạn trừ mê hoặc, chứng đặng chân lý mà cầu vãng sanh Tịnh Độ thì mau vượt tới hàng Thập Địa Bồ tát, còn như hàng Thập Địa Bồ tát mà cầu vãng sanh, thì mau viên thành Phật quả”. Việc tu trì pháp môn niệm Phật đòi hỏi hành giả phải đầy đủ ba điều kiện Tín – Hạnh – Nguyện sẽ đạt nhiều lợi ích thiết thực.
Bài khuyến tu mô tả cảnh khổ vô thường của cuộc đời và khuyên người mau tu tỉnh để giải thoát. Bài thơ sử dụng thủ pháp ví dụ, ẩn dụ rất sâu sắc, ngôn từ dễ hiểu, dễ đi sâu vào lòng người và tạo sự cảm thông. Điểm đáng chú ý là bài thơ được ghi chép vào năm 1967 – là thời điểm đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh và nghèo đói nên câu cuối “Trì niệm Di Đà khỏi loạn ly” có thể được xem là lời khuyến tu để bình an tâm, gieo hạt giống Phật pháp trong hiện đời và tương lai. Điều quan trọng nữa là người đọc những dòng thơ như thế sẽ cảm nhận như thế nào và có những hành động tích cực gì cho cuộc sống ngày mới, chứ không phải luôn bi quan về cuộc đời và phó mặc cho hoàn cảnh hay nỗi đau của bản thân và những gì xung quanh mình.
[1] 12 loại cô hồn : những vị vua chúa của các triều đại chết vì chính biến, soán ngôi; anh hùng tử trận; quan chức trấn nhậm phương xa bỏ thân nơi xứ người; thư sinh công chưa thành danh chưa toại đã yểu mạng; một số Tăng sĩ nhà Phật có tu hành nhưng không buông xả lại còn bám víu tạo thêm nghiệp tội nên chết đi không siêu thoát được; thầy bói chiêm tinh nhưng chết đi vẫn đọa lạc; thương nhân bỏ mạng trên thương trường; binh sĩ tử nạn trong chiến tranh; sản phụ và con chết trong khi vượt cạn; những người tạo nhiều nghiệp tội phải trả quả báo (đui điếc, câm ngọng, bị đầu độc, tai nạn lao động); phụ nữ có nhan sắc nhưng gặp nạn chết thảm; những người chết bất đắc kỳ tử (ăn xin, tử tội, thú dữ ăn thịt, thiên tai, tai nạn giao thông, dịch bệnh,…) (Văn Tế Cô Hồn).
[2] 9 thứ hoạnh tử : bệnh không đáng chết mà lại chết ngang; bị phép vua tru lục; say đắm sự chơi bời, săn bắn, đam mê tửu sắc, buông lung vô độ, bị loài quỷ đoạt mất tinh khí; bị chết thiêu; bị chết đắm; bị các thú dữ ăn thịt; bị sa từ trên núi cao xuống; bị chết vì thuốc độc, ếm đối, trù ẻo và bị quỷ tử thi làm hại; bị đói khát khốn khổ mà chết (Kinh Dược Sư).
Thích Nữ Huệ Liên