Rằm tháng bảy – Lễ Vu lan tại chùa Bửu Long

Rằm tháng bảy – Lễ Vu lan tại chùa Bửu Long

Buổi sáng tinh mơ, mặt trời còn chưa ló dạng, ở nơi nhà bếp, các sư cô và phật tử đang tất bật chuẩn bị những phần cơm chay để kịp giờ chuyển phát đến người dân lao động gần xa, và người dân cũng quen với giờ giấc nên đã đến sớm để nhận cơm. Mong muốn của nhà chùa là đem đến những phần cơm nóng ngon và lành cho người dân lao động, đó là niềm hoan hỷ chung của nhà chùa và mọi người làm công quả, phụng sự.

Sau giờ chuyển phát cơm chay đến người dân lao động gần xa, quý Phật tử vân tập nơi Hậu Tổ thỉnh Hòa thượng trụ trì thuyết giảng ý nghĩa Vu lan.

Nhà chùa cũng dành những giây phút cài hoa hồng lên áo Phật tử. Ai còn cha mẹ sẽ cài lên áo hoa hồng đỏ và những ai đã mất đi đấng sinh thành sẽ cài hoa màu trắng. Hình ảnh hoa hồng cài áo đã trở thành biểu tượng của mùa Vu Lan báo hiếu trong giới Phật tử với ý nghĩa nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn, sự hiếu kính. Nghi thức cài hoa hồng này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng qua cuốn sách của ngài vào năm 1962.

Đi chùa lễ Phật ngày rằm tháng bảy đã được người dân yêu mến Đạo Phật xem là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.

Sau thời thuyết giảng, đại chúng vân tập Chánh điện tụng Kinh Vu lan với lòng chí thành chí kính.

Lễ Vu Lan không chỉ là ngày quan trọng trong Phật giáo với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, mà còn là Lễ cúng Rằm tháng 7 – lễ Xá tội vong nhân.

Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.