LỜI GIÁO HUẤN CỦA NGÀI ĐẠI TRƯỞNG LÃO THIỀN SƯ SHWE 00 MIN SAYADAW
THÁI ĐỘ CHƠN CHÁNH
(Yoniso Manasikara)
KHI HÀNH THIỀN, ĐIỀU RẤT QUAN TRỌNG LÀ HÀNH GIẢ PHẢI CÓ THÁI ĐỘ HIỂU BIẾT CHƠN CHÁNH
Thế nào là thái độ hiểu biết chơn chánh ?
1) Khi thực tập thiền Quán Tứ Niệm xứ, chúng ta :
- Đừng quá chú tâm vào đề mục.
- Đừng kiểm soát hay điều khiển các đối tượng.
- Đừng cố tạo ra một cái gì.
- Đừng ép buộc hay hạn chế mình làm một điều gì đó mà trái với tự nhiên.
2) Không tạo ra một cái gì nhưng cũng đừng xua đuổi những gì đang xảy ra, mà hãy cố gắng đừng quên duy trì Chánh niệm và Tỉnh giác xem chúng còn đang xảy ra hay đã chấm dứt.
3) Thiền quán là chờ xem, quan sát, chánh niệm với sự tỉnh thức và hiểu biết đúng theo Giáo pháp (Paramattha) không phải là suy nghĩ, tư duy, lý luận hay xét đoán theo khái niệm Tục đế.
4) Cố tạo ra một cái gì là Tham (Lobha). Xua đuổi những cái gì đang xảy ra là Sân (Dosa). Không biết những cái gì đang xảy ra hay đã chấm dứt là Si (Moha).
5) Chỉ khi nào chúng ta hành thiền với tâm chú niệm, ghi nhận, quán sát không có Tham, Sân và Si tiềm ẩn thúc đẩy bên trong thì Chánh niệm và Trí tuệ mới thực sự sanh khởi.
6) Luôn luôn kiểm tra xem chúng ta đang hành thiền với thái độ nào ? (Có bị tham, sân, si chi phối không?).
7) Dù cho đối tượng, kinh nghiệm tốt hay đề mục, kinh nghiệm xấu xuất hiện, chúng ta nên chấp nhận với tâm Xả ly để tiếp tục duy trì chánh niệm ghi nhận và hiểu biết rõ cả hai.
8) Thông thường chúng ta chỉ ưa thích những kinh nghiệm nào tốt đẹp và dễ chịu, còn dù chỉ chút ít kinh nghiệm khó chịu, không vui là ta xua đuổi hay tìm cách trốn chạy…!!! Pháp bảo như vậy sao? Bạn làm như thế có đúng không?
9) Đừng quá mong chờ hay dính mắc vào một điều nào và cũng đừng quá lo lắng, suy tư, vì khi những điều này có mặt ở trong tâm thì khó hành thiền.
10) Tại sao chúng ta lại quá chú tâm vào đề mục quan sát? Câu trả lời không ngoài:
- Bạn đang mong cầu một điều gì.
- Bạn muốn một cái gì (hiện tượng nào đó) sẽ xảy đến hay phải biến mất.
11) Khi tâm trở nên chán nản đó là dấu hiệu cho thấy một cái gì sai trong sự thiền tập của bạn, không thể hành thiền đúng khi tâm chúng ta quá căng thẳng.
Nếu cả thân và tâm đều trở nên mệt mỏi, chán nản nên xét lại cách thiền tập của mình, xem có hành thiền với thái độ hiểu biết chơn chánh không.
12) Chúng ta nên hành thiền với tâm xả ly, thoải mái và an tỉnh. Không những tâm mà thân cũng phải thư giãn, nhẹ nhàng và không gồng cứng.
Tâm thoải mái và không dính mắc sẽ giúp bạn hành thiền dễ dàng và tiến bộ nhanh.
13) Giờ đây tâm ta đang làm gì và ở đâu ?
Đang suy nghĩ, phóng tâm hay đang có chánh niệm và tỉnh giác biết rõ trong thân hoặc ngoài thân.
14) Tâm hay biết đang có chánh niệm ghi nhận đề mục thế nào ? Có tinh tấn hay đang dễ duôi.
15) Bạn đừng ráng sức làm cho mọi sự việc xảy ra theo đúng ý mình nghĩ mà hãy cố gắng duy trì chánh niệm để hay biết, thấy rõ những gì đang thực sự xảy ra.
16) Đừng cảm thấy khó chịu, bực mình vì sự phóng tâm hay tâm suy nghĩ quấy rầy bạn. Hành thiền là học cách chánh niệm, nhận ra được tâm suy nghĩ hay sự phóng tâm khi nó đến chứ không phải tìm cách ngăn chặn tâm này.
17) Không cố ý xua đuổi bất kỳ đối tượng hay đề mục nào mà chúng ta tự đánh giá, nhận định cho rằng là xấu hay tốt, vì thích hay không thích. Điều quan trọng nhất là phải biết cách chánh niệm, quan sát thấy rõ, nhận biết được những phiền não (tham, sân, si) phát sanh lên do bởi nương theo đối tượng (đề mục) mà đã làm cho tâm ta ô nhiễm và như thế chúng ta mới có thể dần dần thoát ra khỏi phiền não được.
18) Chỉ khi nào chúng ta có:
- Đức tin thì tinh tấn mới sanh khởi.
- Tinh tấn sanh khởi thì chánh niệm sẽ liên tục.
- Chánh niệm liên tục, Định lực sẽ vững chắc.
- Định tâm vững chắc thì Tuệ giác mới phát sanh lên để thấy rõ bản thể sự vật như chính nó đang hiện hữu. Khi hiểu rõ sự vật y như chính nó thì chúng ta mới chấp nhận và đức tin nơi Pháp bảo sẽ tăng trưởng thêm.
19) Hãy chánh niệm về những gì đang xảy ra liên quan đến thân và tâm trong giây phút hiện tại. Đừng nghĩ tưởng về quá khứ đã qua hay dự tính chuyện tương lai chưa đến.
20) Đối tượng hay đề mục không quan trọng, tỉnh giác biết rõ tâm sanh lên do bởi đối tượng có phiền não, ô nhiễm hay không, quan trọng hơn. (Đề mục, đối tượng là các hiện tượng hay điều gì đang xảy ra mà tâm đang hay biết, ghi nhận, chú niệm,…)
Khi hành giả chú tâm, ghi nhận, quan sát đề mục (đối tượng) với thái độ hiểu biết chơn chánh thì đề mục ấy đúng là cái mà hành giả cần phải chánh niệm, ghi nhận, quan sát,… cho dù đề mục ấy là pháp thiện hay pháp bất thiện./.
Vesakha PL.2545 – 2004
Thiền sư U TEJANIYA tóm lược
Tỳ kheo TĂNG ĐỊNH hiệu đính