Viếng Đền Hùng nhớ về nguồn cội

Viếng Đền Hùng nhớ về nguồn cội

Năm đó, là một ngày thường của tháng 6 có mưa nhiều, tôi cùng vài người bạn đến viếng Khu Di tích danh thắng Đền Hùng. Nơi đây ngày thường cũng như ngày lễ, khách đến viếng Đền rất đông. Núi Hùng (núi Nghĩa Lĩnh) không cao, nhưng nếu đi bộ từ cổng chào lên đỉnh núi cũng tầm hơn một giờ đồng hồ được coi là nhanh. Bởi vì đi vừa lễ, vừa ngắm cảnh vật xung quanh, vừa cảm nhận hồn thiêng sông núi thì bạn cần thời gian nhiều hơn nữa!

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Phong Châu là đế đô của nước Văn Lang, từ 40.000 năm trước. Đấy là đất Tổ của dân tộc Việt Nam. Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, biểu tượng của cội nguồn và tinh thần đoàn kết dân tộc Việt. Là con dân nước Việt, chắc hẳn ai cũng muốn về thăm đất Tổ không chỉ một lần mà nhiều lần.

Lần đó, khi bước ra khỏi xe, đập vào mắt tôi là cổng chào to lớn, từ cổng chào có thể nhìn bao quát xung quanh, đỉnh núi cao chót vót, xung quanh đường lên các Đền, cây cổ thụ che bóng mát rượi, hoa dại cũng mọc đầy lối đi nhưng được ban quản lý “trang điểm” rất tinh tươm, thỉnh thoảng sẽ gặp những con giun đất, con rắn, con ốc núi trườn qua lối đi bám rong rêu, tiếng chim kêu rít rít. Tại mỗi Đền (Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng) và ngôi chùa cạnh Đền, khói hương người dân lễ nghi ngút. Điều tôi ghi nhận, người đi viếng lễ đông nhưng không nhốn nháo, ồn ào, có lẽ mọi người đều tâm niệm viếng lễ tạ ơn và cầu nguyện bình an, hạnh phúc chứ không phải là đi chơi. Những điểm đến tâm linh lúc nào cũng có sự yên tịnh, trang nghiêm như thế đó là điều đáng quý!

Từ chân núi đến đỉnh núi, hoàn toàn không thấy miếng rác nào, sạch sẽ. Trên đường lên Đền Trung, đoàn chúng tôi tìm chỗ đủ rộng, dừng lại nghỉ chân và ngồi dùng bữa, đồ ăn được mang theo gồm xôi bánh nước trà, sau khi ăn xong chúng tôi dọn sạch sẽ và tìm kiếm nơi đặt thùng rác cho rác vào. Cảnh quan sạch đẹp là điểm nhấn của danh lam thắng cảnh!

Khi vào lễ các Đền, tôi được cán bộ quản lý chào, hướng dẫn và giới thiệu. Tôi còn nhớ, người mặc trang phục sĩ quan mỉm cười chào và giới thiệu về Giếng Ngọc – nơi nhị công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa soi gương ngắm nguyệt. Chú sĩ quan này đã hướng dẫn tôi đến nhìn vào nước giếng. Miệng giếng đã bị bọc một tấm lưới chắc chắn để tránh người dân đến lễ thả tiền và lấy nước, bảo vệ môi trường. Thật may mắn là tôi được tận mắt tận tay sờ vào miệng giếng, cảm giác mát lạnh, nước giếng trong vắt có thể nhìn thấy gương mặt mình trong giếng.

Đi cùng chúng tôi có các cụ người địa phương, tôi sống vùng đồng bằng, người ta gọi là dân miền xuôi, nên đi bộ leo núi dở hơn các cụ miền núi. Tôi buột miệng nói “phục các cụ quá, tôi tuổi mới 40 mà đã thấy mỏi chân, còn các cụ lớn tuổi ngoài 75 vẫn leo núi thoăn thoắt”. Dù vậy, khi lên đến Đền Thượng rồi vòng trở lại Đền Giếng, cái mệt mỏi như không còn, thay vào đó là cảm nhận nguồn năng lượng tốt đẹp.

Chuyến viếng thăm Đền Hùng ấy để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc đẹp. Vùng đất Phú Thọ cũng nổi tiếng với rừng cọ, đồi chè xanh bát ngát, sông hồ ao hòa quyện giữa núi đồi, cho người ta cảm giác bình yên, khoáng đạt tâm linh.

Việt Nam mình đẹp lắm, đâu cũng có vẻ đẹp hùng vĩ núi non, rừng biển, đồng xanh bao la bát ngát. Phúc của Tổ tiên khai sáng nước Việt, để đời đời con cháu Lạc Hồng thọ hưởng, giữ gìn và ghi nhớ công ơn.

“Cây có cội, nước có nguồn

Làm người phải nhớ Tổ tiên phụng thờ” ;

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba,

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”

Lục Diệu