Chất độc “lưu trú” khắp mọi nơi, trong không khí, trong thức ăn, nước uống. Có những chất độc do tự chúng ta “chuốc lấy” như hút thuốc lá, uống rượu,…
Chính cơ thể chúng ta cũng sản sinh ra chất độc khi phản ứng lại với stress, những lo toan trong đời sống. Chất độc tấn công ta mọi lúc mọi nơi. Dấu hiệu trong người có độc là:
- Mệt mỏi, mệt đến nỗi chúng ta có thể ngủ bất cứ nơi đâu, trên bàn làm việc hay trên xe buýt.
- Táo bón mặc dù ăn uống hợp lý, giàu chất xơ.
- Đầy bụng khó tiêu.
- Da trở nên xấu, xanh tái, xỉn màu, nổi mụn, phát ban.
- Đau đầu, khó tập trung.
- Đau mỏi cơ.
- Tùy người sẽ có những triệu chứng độc khác nhau. Có người bị táo bón, nhưng có người lại bị đầy hơi, khó tiêu.
Chương trình giải độc rất đơn giản, thông qua chế độ ăn uống, thay đổi lối sống, sử dụng liệu pháp tự nhiên hay bổ sung:
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng.
- Tiêu thụ các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng càng nhiều càng tốt.
- Các chất xơ như trái cây, rau củ, các loại đậu và ngũ cốc. Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải độc vì chúng giúp ruột nhuận tràng, tống chất độc ra ngoài.
- Thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, từ thực vật.
- Hạn chế thực phẩm có nguồn gốc động vật, hạn chế chất béo.
- Tránh dùng nhiều caffeine (có trong cà phê, trà, chocolate và cola).
- Tránh sử dụng các chất gây nghiện, chất bảo quản và các loại thức ăn đã chế biến sẵn.
- Uống nước lọc và trà thảo mộc.
- Ăn chay là cách nhanh nhất loại bỏ chất độc. Tuy nhiên, phải có hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ để tránh trường hợp thiếu chất trầm trọng.
- Nghỉ ngơi và vận động hợp lý. Cần phối hợp nhịp nhàng, cân đối giữa thời gian nghỉ ngơi và vận động. Không cố gắng tập luyện quá sức, cũng không lười nhác ngồi yên một chỗ.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất. Vitamin và khoáng chất rất quan trọng để giúp cơ thể loại bỏ các chất độc, đồng thời hỗ trợ gan thực hiện chức năng giải độc tố. Chúng hỗ trợ cơ chế giải độc của gan như vitamin nhóm B, các chất chống oxy hóa và một số thảo dược.
(trích từ sách : Nhiều tác giả, Bác sĩ tốt nhất là chính mình, NXB Trẻ, 2016, trang 115 – 116 )