Làm giỗ mẹ ở chùa – giản dị và ấm cúng

Làm giỗ mẹ ở chùa – giản dị và ấm cúng

Làm giỗ mẹ ở chùa là truyền thống quen thuộc của gia đình Phật tử thuần thành dưới sự trợ duyên của nhà chùa. Tổ chức giỗ người thân nơi không gian chùa vừa trang nghiêm, vừa giản dị, ấm cúng, con cháu sum họp hoan hỷ và ngập tràn yêu thương.

Cụ Phật tử Diệu Chơn – bà cụ quy y Tam bảo khoảng 30 năm về trước, là một trường hợp đáng được khen ngợi. Sinh thời, chồng mất sớm vì bom đạn chiến tranh, để lại các con còn thơ dại, bà một mình tảo tần nuôi dạy các con khôn lớn. Bà hướng thiện các con quy y Tam bảo, đời con cháu thành đạt, có người ra làm quan.

Về già, bà nương tựa ở chùa hẳn để tu dưỡng thân tâm, các con cháu cũng vì thế mà thay phiên nhau ở gần chăm sóc bà và quan tâm chùa hơn, hầu hết con cháu bà đều quy y Tam bảo.

Khi bà mãn thọ, gia đình các con cháu đều nhất trí làm lễ cầu siêu cho đến cúng giáp năm đều tại chùa.

Hằng năm, tới ngày giỗ bà, các con cháu cố gắng sắp xếp công việc về chùa làm giỗ mẹ. Trước ngày giỗ mẹ, thông lệ đại diện gia đình trình thưa với sư thầy trụ trì xin làm lễ giỗ, họ chuẩn bị tất cả đồ nấu cúng, bánh trà hoa quả đầy đủ, nhang đèn tươm tất.

Nhìn cảnh con cháu ruột thịt trong gia đình, cho đến anh em con cháu trong dòng họ thân tộc cùng nhau về chùa thắp nén nhang, vui vẻ nấu tiệc chay theo di nguyện của mẹ, thì ai cũng sẽ hoan hỷ và cảm nhận không khí ngập tràn sự đoàn kết và yêu thương.

Hàng cháu chắt cũng theo ba mẹ lên chùa, chạy nhảy nói cười đùa giỡn với nhau vui vẻ. Dù ăn chay không phải là sở thích, nhưng các cháu vẫn ngồi ăn ngon lành với người lớn!

Gia đình họ còn lịch sự mời các vị phật tử dùng cơm thân mật ngày cúng giỗ mẹ.

Cúng giỗ và hoàn mãn đãi tiệc chay xong, con cháu gia đình lại tự dọn dẹp bàn ghế, rửa chén bát, xếp đồ, giặt khăn, quét dọn sạch sẽ, hong phơi xếp gọn đồ đạc… xong hết mới ra về. Họ không để cho các nhà sư trong chùa phải làm thay mình, phép lịch sự và tử tế của con cháu gia đình họ rất được tôn trọng.

Về chùa cầu siêu – cầu an cho gia đình, người thân trở thành tâm nguyện điều thiện lành của nhiều người nhằm nương tựa và hòa mình vào vô lượng cảnh giới Phật tâm. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. Bởi vì, ngôi chùa bao đời nay vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam ta :

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.