Thế hệ Tăng ni trẻ, còn gọi là thế hệ Gen Z, có nhiều sự khác biệt so với các thế hệ X, Y. Gen Z là nhóm người sinh từ năm 1995 đến năm 2012 (có người nói từ năm 1997 đến năm 2015). Trong đó quãng tuổi được công nhận rộng rãi nhất là những người sinh năm 1997 – 2012. Thế hệ Z là công dân của thời đại số, đang làm thay đổi thế giới, quyết định văn hóa và tiêu dùng mới.
Có thể nói rằng thế hệ Gen Z sinh ra trong thời đại công nghệ và internet bùng nổ, có cách nhìn nhận và xử lý các vấn đề cuộc sống khác với thế hệ khác. Cảm xúc bản thân khi đối diện cuộc sống của họ bộc trực và dồi dào sự thể hiện. Gen Z chú trọng phát triển chất riêng của mình theo nhu cầu thực tế. Họ có xu hướng phá vỡ khuôn mẫu cũ và sẳn sàng chia sẻ quan điểm cá nhân với bên ngoài. Họ có cái tôi cao, tư duy độc đáo, đề cao tự do cá nhân, tài chánh và tiêu dùng. Họ ưu tiên lựa chọn điều phù hợp thói quen và sở thích. Nếu chúng ta cho rằng đời sống con người quá ngắn thì xu hướng sống thực dụng, hưởng thụ hoặc trải nghiệm là lựa chọn đầu tiên của giới trẻ ngày nay.
Đối với thế hệ tu sĩ Phật giáo trẻ, nói chung tăng ni trẻ thuộc thế hệ Gen Z cũng phần nào có thay đổi về quan điểm và phương diện tu học cá nhân trong môi trường chung. Chúng ta có thể nhận thấy một số đặc điểm của tăng ni trẻ thuộc thế hệ Gen Z hiện nay :
Xu hướng đối thoại
Tu sĩ trẻ ngày nay có xu hướng thiên về đối thoại các vấn đề trong cuộc sống dưới lăng kính Phật học, gọi là Phật học ứng dụng. Họ cần một sự giải thích vấn đề rõ ràng, có thực nghiệm khoa học, có thích ứng đời sống tốt hơn, chứ không phải là tìm kiếm các yếu tố huyền bí hay phục mệnh vô vấn (không cần hỏi, chỉ cần làm theo người đi trước đã dạy).
Tăng ni trẻ có thể nhạy bén trong việc nhận ra việc học của họ là hết sức cần thiết cho vấn đề hoằng dương Phật pháp, chứ không chỉ biết kệ kinh, tụng niệm cho riêng mình hoặc đem lại cho họ cảm giác bình an, thanh tịnh trên con đường tu học của mình. Tu học là để trải nghiệm, từ đó rút ra được gì hữu ích cho bản thân và phục vụ cho lý tưởng giác ngộ giải thoát trong đạo Phật. Họ muốn bảo đảm rằng sự lựa chọn lý tưởng sống này, trong hiện tại hoặc chuẩn bị kế hoạch cho tương lai không có gì rắc rối đáng kể.
Không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân
Tu sĩ trẻ ngày nay không đặt nặng vấn đề kế thừa sơn môn pháp phái, việc gắn bó chặt chẽ với một tông môn là trách nhiệm của người đệ tử, nhưng có thể làm cho tinh thần họ không mấy thoải mái, bổn phận càng nhiều thì tâm lý buông đi càng nhiều. Họ có thể cho rằng, mình theo Phật chứ không theo tông phái. Tông phái đại diện cho một phương pháp tu hành mà trong đó bao gồm cả văn hóa và triết học. Người trẻ có thể cho rằng, họ có quyền đi khắp nơi để học hỏi, sau đó chọn cho mình một lối sống mới để hoàn thiện bản thân và lý tưởng giải thoát. Thầy tổ là quan trọng, nhưng nhu cầu phát triển bản thân càng quan trọng hơn. Hiện thực hóa lý tưởng giác ngộ, giải thoát là mục tiêu mà tăng ni trẻ hướng tới với niềm tin, sự cởi mở, hòa nhập với cộng đồng và môi trường xung quanh – “Bạn là người bình thường, tôi cũng là người bình thường, nhưng tôi bình thường trong những điều đặc biệt, đó là tôi tin Phật”.
Nhu cầu công nghệ và tiêu dùng
Gen Z là thế hệ kỹ thuật số, lớn lên với công nghệ và internet, các thiết bị điện tử, cũng như sự bùng nổ của truyền thông xã hội. Họ nhạy cảm hòa mình vào thế giới, tức là kết nối với các nền văn hóa, sự kiện vấn đề và cập nhật tin tức nhanh chóng so với các thế hệ đi trước.
Gen Z cũng là thế hệ tiêu tiền không kiểm soát nhất, vật chất quyết định đời sống. Nhưng không phải là tất cả, đối với người trẻ tự lập và biết quản lý tài chánh, họ sẽ có cách tiêu dùng hợp lý và nói không với những thứ không cần thiết.
Mặc dù sống trong tự viện, không phải lo lắng về vấn đề tài chánh kinh tế nhưng hầu hết tăng ni thế hệ Gen Z đang trong độ tuổi đi học tại các trường Phật học và Đại học. Vì vậy, họ sẽ có nhu cầu tiêu dùng cao. Họ có thể sử dụng khoản tiền được tài trợ từ thân nhân và Phật tử thân cận để trang trải chi phí học tập, mua sắm trang thiết bị và phục vụ nhu cầu thiết yếu của cá nhân. Ngoài ra, khoản tài chánh họ nhận được từ sự phát tâm cúng dường của Phật tử cũng được họ sử dụng để làm việc Phật sự và từ thiện xã hội. Điểm mạnh của tăng ni trẻ là tinh thần nhiệt tâm và năng động đóng góp cho lợi ích cộng đồng bằng sức trẻ. Cho nên, tài chánh là vấn đề mà tu sĩ trẻ quan tâm để đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống tu học, sức khỏe và làm Phật sự. Đó là vì sao trên mạng xã hội hiện nay, một bộ phận chùa hoặc tăng ni trẻ có làm mảng kinh doanh những mặt hàng văn hóa phẩm Phật giáo, thực phẩm chay, dịch vụ lưu trú ở chùa,… Nhưng nói chung không được đi quá giới hạn giới luật nhà Phật, không làm mất phẩm hạnh người tu hành và được đại chúng hoan hỷ chấp nhận việc làm của mình.
Công nghệ internet hiện đại đã loại bỏ ranh giới thời gian và không gian, công việc và cuộc sống, tu học và Phật sự. Sự vật, hiện tượng, vấn đề thế giới luôn thể hiện mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hiện nay, tăng ni sử dụng mạng xã hội cá nhân chiếm đa số, thậm chí bộ phận các vị lớn tuổi cũng đang bắt kịp công nghệ điện tử. Dùng mạng xã hội để hoằng pháp, để học trực tuyến, để truyển tải thông tin hoạt động Phật sự, để chia sẻ thông tin cuộc sống cá nhân,…
Có thể nói rằng, tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết và dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh và môi trường sống, tìm kiếm và lựa chọn lối đi riêng là một đặc điểm dễ thấy trong cộng đồng người trẻ, kể cả tăng ni. Họ muốn thể hiện tiếng nói và tư tưởng, phát huy tối đa năng lực của mình.
Tất nhiên nhận định này của chúng tôi đây không phải là tất cả, vì cũng có một bộ phận tăng ni trẻ lựa chọn môi trường sống khép kín, nhằm tu học miên mật. Họ tránh giao thiệp với bên ngoài, họ không cần nỗ lực tự khẳng định mình, cũng không cần được công nhận trước đại chúng. Họ chấp nhận khác biệt và tự cô lập với công nghệ truyền thông đại chúng. Họ sống ưu tú theo cách riêng của người xưa truyền lại như “hạnh phúc được sống là chính mình”.
Nói tóm lại, thế hệ Gen Z sinh ra và lớn lên với nền công nghệ, sẽ chịu áp lực lớn từ chính môi trường sống : kiến thức và thực hành, lý tưởng và thực tế. Đây là một thế hệ có nhiều thuận lợi vì có phương tiện vật chất hiện đại hỗ trợ, nhưng lại đối diện với thế giới đầy biến động, môi trường sống áp lực, trong tôn giáo cũng xuất hiện nhiều vấn nạn nảy sinh, trầm trọng hơn là sự tụt dốc về tinh thần và tâm linh làm cho đời sống cá nhân mất dần năng lượng tích cực.
Thế hệ tu sĩ trẻ Gen Z đang trong quá trình vừa xây dựng năng lực theo phương cách chính mình vừa bảo vệ Chánh pháp. Môi trường tu tập của tăng ni trẻ hiện nay luôn trong bối cảnh thế giới đầy biến chuyển (chính trị, văn hóa, xã hội,…), đối diện nhiều thử thách và khó khăn. Cho nên, trọng trách vun trồng tưới tẩm cho cây đại thụ Phật pháp trường tồn là một điều mà tăng ni trẻ đang và sẽ boăn khoăn.
Diệp Thiên