Ô nhiễm không khí là vấn đề quan tâm lớn trong vài năm gần đây bởi có thể xảy ra thảm họa do ô nhiễm không khí gây ra. Từ các hoạt động của con người trong sản xuất, nhà máy công nghiệp, sinh hoạt, giao thông vận tải,… các chất gây ô nhiễm xâm nhập vào bầu khí quyển, được hòa quyện, chuyển hóa và cuối cùng tác động tới nguồn tiếp cận là con người và các động thực vật khác nhau. Tình trạng không khí xuất hiện chất lạ hoặc có sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí làm thay đổi tính chất lý, hóa vốn có của nó, vi phạm tiêu chuẩn môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, gây tác động có hại cho con người và thiên nhiên.
Ô nhiễm không khí gây ra một sự biến đổi không khí theo hướng bất lợi với cuộc sống của con người, của động thực vật mà sự thay đổi đó chủ yếu lại chính do hoạt động của con người gây ra với quy mô, phương thức và mức độ khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi mô hình, thành phần hóa học, tính chất vật lý và sinh học của không khí. Đây là một sự thay đổi tính chất không khí và vi phạm tiêu chuẩn không khí mà pháp luật đã quy định.
Các hoạt động công nghiệp đã thải vào môi trường sống một khối lượng lớn bụi, hơi khí độc,.. trong khi đó chưa có hệ thống xử lý ô nhiễm không khí hoặc có nhưng vận hành chưa thật hiệu quả, chỉ mang tính đối phó, chưa có biện pháp để phòng ngừa. Các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp gia tăng nhanh chóng nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ gây khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải. Các phương tiện giao thông công cộng ngày càng tăng lên về số lượng dẫn đến ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng hơn. Tình trạng ống khói nhà máy (nhiệt điện, xi-măng, sản xuất phân bón hóa học, giấy, nhựa, dầu khí…) và khói bụi xe cộ đã thải vào không khí một lượng lớn khí ô nhiễm, trong đó phần lớn lượng bụi trong môi trường không khí đô thị là do giao thông vận tải và xây dựng. Vấn đề nổi cộm về môi trường không khí hiện nay là tình trạng ô nhiễm bụi, khí độc hại và tiếng ồn. Báo động nhất là bụi mịn, gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân, nguyên nhân của nhiều căn bệnh: ung thư, viêm phế quản, viêm phổi…
Trên các phương tiện truyền thông báo đài thường xuyên đưa tin cảnh báo về chất lượng không khí nghiêm trọng như những ngày gần đây. Người dân được cảnh báo về chất lượng không khí đang ở mức rất xấu, mức rất có hại cho sức khỏe. Tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt tại các khu công nghiệp và các đô thị lớn đang là mối quan tâm lớn của cơ quan quản lý nhà nước và trong cộng đồng, bởi vì môi trường không khí vốn có tính lan truyền rất nhanh và rất rộng.
Mức độ ô nhiễm không khí vẫn liên tục gia tăng trong khi các cơ quan mới chỉ đưa ra cảnh báo, khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em hạn chế ra đường và khi ra đường sử dụng khẩu trang, vệ sinh mũi họng, nhưng điều này chỉ có tính chất phòng ngừa tạm thời, còn gần như không có những biện pháp mang tính khẩn cấp trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.
Chất lượng không khí sẽ ngày càng tệ hơn nếu con người thờ ơ hay cảm thấy bất lực? tại sao không khí lại là vấn đề ít được quan tâm hơn các vấn đề môi trường khác? Bởi vì, không khí là thành phần môi trường không được xác định thuộc quyền khai thác hay sử dụng của cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Vì thế, môi trường không khí thường ít được quan tâm, do nó không gắn với lợi ích cụ thể của một cá nhân hay tổ chức nào. Vì vậy, việc thiếu quan tâm, bảo vệ là điều dễ hiểu. Đồng thời, với nỗi lo đời sống, tiêu dùng vật chất trước mắt bộn bề, người dân dù có biết về cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí nhưng chưa thực sự quan tâm lắm, chủ yếu là quan ngại với việc bảo vệ sức khỏe. Có thể nói phần lớn các cơ sở công nghiệp (tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm không khí) chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt mà chưa tính đến bảo vệ bầu không khí chung cho cả cộng đồng. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tài chánh hạn hẹp, nên cơ quan chức năng cũng khó yêu cầu họ phải thỏa mãn ngay các đòi hỏi về bảo vệ môi trường không khí. Cá nhân, tổ chức nhận thức chưa cao về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật về xử lý ô nhiễm môi trường ở các cấp chưa thực sự hiệu quả vì lý do nào đó, và pháp luật nhà nước cũng chưa có nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường không khí.
Con người có quyền được sống trong môi trường trong lành đảm bảo ở mức độ nào đó. Điều cần thiết là ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí để người dân được biết họ đang sống trong môi trường không khí có chất lượng tốt hay xấu. Các giải pháp tạm thời khắc phục và các biện pháp bảo vệ môi trường bền vững, khắc phục kịp thời nguyên nhân gây khủng hoảng không khí sẽ phòng ngừa được tình trạng lây lan bụi và khí thải độc hại vào không khí xung quanh.
Khi đại dịch covid-19 bùng phát, các quốc gia áp dụng chính sách phong tỏa để đối phó và kiểm soát, hàng triệu người đã bị buộc ở trong nhà hoặc cách ly để làm chậm sự lây lan của virus. Việc hạn chế di chuyển đồng nghĩa giảm tắc nghẽn giao thông, làm giảm ô nhiễm không khí đáng kể, hay việc ngừng trệ sản xuất ở các khu công nghiệp làm giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, đó chỉ là một giai đoạn tạm thời lắng dịu ô nhiễm không khí. Khí hậu đang biến đổi ngày càng theo chiều hướng khắc nghiệt có sự tàn phá nặng nề đến cuộc sống con người, cần phải có biện pháp hướng đến tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta theo hướng giảm khí thải và ô nhiễm.
Môi trường không khí cần được bảo vệ, vì gắn liền đến sức khỏe con người, động, thực vật. Phòng ngừa bao giờ cũng dễ hơn khắc phục, xử lý. Trong tình hình khủng hoảng ô nhiễm không khí hiện nay, không chỉ cơ quan chức năng của nhà nước đưa ra các giải pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm mà người dân cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, vì sự phát triển bền vững, bảo vệ, cải thiện cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Duyên Nguyễn