Tám lý do khiến cho một bài viết khó hiểu
Vì sao có nhiều bài đọc tối nghĩa, khó hiểu quá ?
Xin trả lời : Có thể có tám lý do.
- Một, tư tưởng trong bài không được sắp xếp theo một thứ tự giúp cho độc giả dễ hiểu. Nói cách khác, bài văn không được tổ chức tốt.
- Hai là, tác giả không biết chia bài thành chương, mục. Mỗi chương, mục chỉ triển khai một hai tư tưởng nhất định.
- Ba, mỗi chương như thế không được bắt đầu bằng một câu có tác dụng hướng sự chú ý của độc giả vào nội dung, được triển khai trong chương, mục đó. Cái này thường gọi là “móc câu” (the hook) của cả một đoạn văn.
- Bốn, bài viết thiếu sự liên tục. Có thể là do tác giả không khéo dùng những liên từ, kiểu như các từ: do đấy mà, vì vậy cho nên, nói cách khác, tuy vậy,.v.v.
- Năm, sau cả bài, hay là sau mỗi chương, mục quan trọng, tác giả không biết kết luận bằng một hai câu tóm tắt được ý chính trong cả bài hay là trong chương, mục.
- Sáu, thái độ chung của tác giả không rõ ràng. Là một bài viết để mô tả, để gợi ý hay là để phê bình về một vấn đề nào đó.
- Bảy, bài viết có những tư tưởng và tư tưởng không có giá trị quan trọng nào hết đối với nội dung chủ yếu của bài. Bài có những đoạn dài dòng không cần thiết.
- Tám, tác giả không biết dùng chấm câu. Sau đoạn câu nào thì phẩy (,), sau đoạn câu nào thì chấm (.) hay là chấm phẩy (;).
Một luận văn hay cũng như bản nhạc hay vậy. Nghĩa là không có nốt nhạc nào thừa, mọi từ ngữ đều dùng đúng nghĩa và đúng chỗ. Tất nhiên, dùng từ cho đúng nghĩa và đặt từ ấy cho đúng chỗ không phải dễ, vì vậy mà tôi nói phải học viết.
Một lý do nữa khiến cho các bài viết về đề tài Phật giáo rất khó hiểu là vì tác giả dùng nhiều từ Hán Việt làm cho mỗi bài viết không khác gì một bài đánh đố, thách thức độc giả ! Tôi hết sức cảm phục nhà vua thời Trần là Trần Nhân Tông. Các bài thơ thiền của vua chứng tỏ một trình độ chữ Hán và Hán học rất uyên thâm, thế mà ông lại viết bài phú Nôm “Cư trần lạc đạo”. Một bài phú Nôm, bàn nghĩa lý sâu huyền của đạo, chứ đâu phải một bài phú tả cảnh bình thường. Mà không phải một bài mà còn nhiều bài văn Nôm khác nữa, như bài “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, với những câu tuyệt vời như:
“Đắc ý trong lòng
Cười riêng ha hả”
Trên đây là vài ý kiến nhỏ, giúp cho bài viết của chúng ta sáng sủa, dễ đọc, hấp dẫn.
Giáo sư Minh Chi.