Về chùa ngày Rằm tháng bảy Vu lan

Về chùa ngày Rằm tháng bảy Vu lan

Theo truyền thống, mỗi năm đến ngày Rằm tháng bảy (âm lịch), hàng phật tử khắp nơi đều hoan hỷ tham dự pháp hội Vu lan, ngày này được xem là ngày lễ lớn mang ý nghĩa sâu sắc. Đây vừa là ngày xá tội vong nhân, cũng là dịp lễ Vu Lan báo hiếu. Vì vậy, người dân đi chùa đông hơn để cầu sức khỏe, bình an, hạnh phúc và thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến đấng sinh thành, cũng như cầu siêu cho người đã khuất. Điều quan trọng nhất khi đi lễ chùa là giữ tâm thanh tịnh, tôn vinh ý nghĩa cao đẹp của việc đi lễ chùa.

Rằm tháng bảy từ lâu được coi là dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu mẹ cha và là ngày cúng chúng sinh. Tất cả làm cho ngày rằm tháng bảy trở thành một dịp đặc biệt nhưng dù mang ý nghĩa gì đi nữa thì tựu chung, đó là ngày rằm của tình yêu thương, của nghĩa tình, ngày của sự bày tỏ và của lòng biết ơn.

Về chùa thắp ngọn Liên Hoa Đăng, gồm hoa và đèn, hay ngọn đèn nằm trong lồng đèn hình đóa hoa sen. Thông thường, trong Phật giáo, thắp đèn Hoa Đăng là nghi thức dâng hoa và đèn lên cúng dường chư Phật và Bồ-tát. Mục đích nhằm hồi hướng công đức, cầu nguyện bình an cho người còn hay siêu độ cho người mất. Ngọn đèn Hoa Đăng còn tượng trưng cho ngọn đèn trí tuệ, soi đường dẫn lối cho người con Phật trong đêm trường vô minh! Kinh Di Giáo nói: “Trí tuệ là đèn sáng phá tan tối vô minh.” Lại bảo: “Ai thường quán sát mình không đánh mất trí tuệ. Người đó sẽ giải thoát trong giáo pháp của ta.”

Về chùa Rằm tháng bảy, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, đó như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm cha mẹ yên lòng.

Ai khi dự lễ Vu lan cũng đều có những cảm xúc khó tả khi đón nhận một bông hồng đỏ hoặc trắng cài trang trọng lên ngực áo để nhớ đến đấng sinh thành. 

Phong tục cài hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng vào dịp Vu lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào thập niên 60 của thế kỉ trước để tăng thêm ý nghĩa văn hóa cho lễ hội này, nhất là để con cái nhớ về cha mẹ mình, dù cha mẹ còn hay mất.

Vu lan là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ. Một người con hiếu đễ, một gia đình hòa thuận, luôn có sự đùm bọc và nâng đỡ với tình thương yêu chính là phương thuốc căn bản để chữa lành các vết thương trong đời sống xã hội.

Về chùa rằm tháng bảy, thiện nam tín nữ về chùa được nghe TT. Thích Đức Thông – Trụ trì chùa Bửu Long thuyết giảng Ý nghĩa Vu lan, hướng dẫn lễ Sám và tụng Kinh Vu Lan.

Kinh Vu Lan có thể được đọc tụng hàng ngày để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền, đồng thời thắp sáng truyền thống hiếu đạo cho con cháu. Tinh thần trong Kinh Vu Lan dạy chúng ta ý thức độ lượng, bao dung, hướng đến và giúp đỡ người khác trong tinh thần vô vị lợi. 

Theo tinh thần của Kinh Vu Lan, cái khổ nguy khốn nhất của chúng sinh là bị sinh vào cảnh giới quỷ đói. Do đó, tháo gỡ cái cực hình treo ngược là tháo gỡ cái ách bị đày đọa trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.

Cách báo hiếu báo ân tốt đẹp nhất của mỗi người Phật tử chúng ta chính là nếp sống tu học song đôi của người Phật tử. Nếp sống ấy vừa phù hợp với đạo lý tu nhân tích đức của người Việt Nam, vừa nói lên ý nghĩa đúng đắn của một người con Phật biết sống vì mình vì người như trong truyện thơ dân gian Nam Hải Quan Âm có đoạn : 

“Chơn như đạo Phật rất mầu,

Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,

Hiếu là độ được song thân,

Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.

Trên thời hiếu báo sanh thành,

Dưới thời nhân cứu chúng sinh Ta bà”.

Những món chay được chế biến và trang trí ngon lành

(Lục Diệu tổng hợp)