Cha mẹ và con cái

Cha mẹ và con cái

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật có ví dụ : Trên thế giới này có 4 loại Chuột :

  • Một là làm hang mà không ở.
  • Hai là ở mà không làm hang.
  • Ba là không làm hang mà cũng không ở.
  • Bốn là vừa ở, vừa làm hang.
  1. LÀM HANG MÀ KHÔNG Ở

Như cha mẹ chúng ta – từ khi thành gia thất, đã cố gắng xây dựng sự nghiệp, kiến tạo nhà cửa, mong cho gia đình mình đầy đủ tiện nghi tối thiểu. Cho đến khi già cả đầu bạc răng long vẫn chưa như ý. Nhưng khi vô thường đến, nhắm mắt buông tay lại ra nằm ngoài nghĩa địa hoang vu lạnh lẽo. Như vậy có phải đây là loại chuột “làm hang mà không ở” hay sao?

  1. Ở MÀ KHÔNG LÀM HANG

Cha mẹ sanh ra con cái, cưng như trứng, hứng như hoa, lo cho con ăn học, mong sao con nên sự nghiệp ở đời. Đến lúc con cái công thành danh toại thì cha mẹ không còn nữa. Bao nhiêu tài sản, nhà cửa, sự nghiệp đều để lại cho con cái hưởng thụ. Những người con hưởng thụ nhà cửa sự nghiệp ấy có phải là loài chuột “ở mà không làm hang” hay không?

  1. KHÔNG LÀM HANG MÀ CŨNG KHÔNG Ở

Cha mẹ sanh ra con cái, nhưng có những đứa con bất hiếu, lúc lớn lên đã không đỡ đần gì cho cha mẹ, mà ngỗ nghịch, hoang đàng, rong ruổi chơi bời. Hễ cha mẹ động đến thì cãi lại, bỏ nhà đi hoang, đi bụi đời. Vậy có phải đấy chính là loại chuột “Không làm hang mà cũng không ở hang” hay không?

  1. LOẠI VỪA LÀM HANG VỪA Ở

Chính là những người con hiếu thảo, biết phụ giúp đỡ đần cho cha mẹ. Lúc cha mẹ về già thì lo phụng dưỡng, đến lúc cha mẹ quá vãng thì lo mồ mã yên đẹp, phụng thờ hương khói, thừa kế sự nghiệp, tô bồi phát triển cơ ngơi nhà cửa ngày một khang trang. Vậy đâu có phải chính là loài chuột “vừa làm hang, mà cũng vừa ở” là gì?

Cũng trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật dạy : Trên thế gian này, ai làm được của tiền phải chia làm 5 phần :

  • Trả nợ cũ
  • Cho vay mới
  • Đổ xuống hố sâu
  • Trải trên mặt đất
  • Chôn của để dành
  1. Thứ nhất, – Đối với cha mẹ, công ơn sanh thành dưỡng dục thật là to lớn, như trời cao biển rộng. Tuy cha mẹ không đòi, hỏi, nhưng con cái có bổn phận phải đền đáp ơn đức ấy. Việc báo đáp lại cái ơn thâm sâu ấy được xem như là “Trả nợ cũ”.
  2. Thứ hai, – Đối với con cái thì mình lại là cha, mẹ, có trách nhiệm phải chăm sóc nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái như cha mẹ đã từng làm cho mình, ấy chính là “Cho vay nợ mới”.
  3. Thứ ba, – Để tồn tại trong cuộc sống, con người cần phải ăn uống. Người nghèo thì chạy ngược chạy xuôi mới có miếng ăn. Kẻ giàu thì lại có quá phung phí. Mỗi cái miệng người là một cái hố sâu, đổ mãi mà chẳng đầy, như vậy có phải là “Đổ xuống hố sâu” hay không?
  4. Thứ tư, – Đã thế, cuộc sống không phải chỉ lo cái ăn không là đủ. Bên cạnh đó nào là quan hệ cộng đồng xã hội, giao tế bạn bè, đám cưới, đám tang, tân gia, sinh nhật, kỵ giỗ, tai nạn, ốm đau, xả giao thủ tục giấy tờ,… Như vậy, cái tiền của bỏ ra chính là đem “Trải đều trên mặt đất”.
  5. Chôn của để dành – Con người không chỉ lo sự ăn, mặc, ở ngày hôm nay mà phải lo tính đến chuyện dự phòng cho cả ngày mai. Nên người ta phải dành dụm tiền bạc, mua sắm nữ trang phòng khi bất trắc. Đó là phần vật chất thế gian. Về tinh thần người ta phải chăm lo việc làm phước thiện, giúp đỡ người nghèo, cúng dường Tam Bảo chùa chiền theo khả năng của mình, ấy chính là “Chôn của để dành” tạo phước cho các đời sau.

(Minh Chiếu)